Viêm Da Cơ Địa: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Điều Trị

Viêm da cơ địa là một trong những thể lâm sàng của chàm – eczema. Triệu chứng điển hình của bệnh là các ban dát đỏ, bề mặt có nhiều mụn nước, rỉ dịch, phù nề, khô ráp, dày sừng và ngứa ngáy. Bệnh lý này có tiến triển mãn tính, dai dẳng và tái phát nhiều lần.

viêm da cơ địa là bệnh gì
Viêm da cơ địa là bệnh gì?

Viêm da cơ địa là gì?

Viêm da cơ địa (chàm thể tạng/ eczema thể địa) là một trong những thể lâm sàng của bệnh chàm – eczema. Chàm thể tạng đặc trưng bởi tổn thương da mãn tính, dai dẳng, tái phát nhiều lần và hầu hết đều khởi phát trong những năm đầu đời.

Không giống với các dạng chàm khác, viêm da cơ địa không chỉ gây tổn thương ngoài da mà còn đi kèm với một số vấn đề sức khỏe khác như sốt cỏ khô, hen suyễn và viêm mũi dị ứng. Trong đó, 35% trường hợp mắc bệnh có phát sinh biểu hiện hen.

Tổn thương điển hình của viêm da cơ địa là tình trạng da viêm đỏ, nổi mụn nước, rỉ dịch, khô ráp, đau rát, ngứa ngáy và dày sừng. Trong đó, triệu chứng ngứa kéo dài xuyên suốt từ giai đoạn cấp đến giai đoạn bán cấp và mãn tính.

Nguyên nhân và các yếu tố gây viêm da cơ địa

Hiện nay, các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây viêm da cơ địa và các thể chàm khác. Tuy nhiên cơ chế khởi phát bệnh có liên quan đến yếu tố cơ địa và hoạt động quá mẫn của hệ miễn dịch.

Các nguyên nhân có thể gây ra bệnh viêm da cơ địa, bao gồm:

  • Yếu tố gia đình: Thống kê cho thấy, có đến 60% trường hợp bị viêm da cơ địa có tiền sử gia đình mắc bệnh lý này hoặc các vấn đề liên quan đến thể địa như hen suyễn, sốt cỏ khô và viêm mũi dị ứng.
  • Cơ địa nhạy cảm: Cơ địa là yếu tố chính là cơ chế khởi phát viêm da cơ địa. Ở hầu hết các trường hợp mắc bệnh, các nhà khoa học đều nhận thấy có sự bất thường ở gen và vai trò của kháng thể IgE.

Ngoài ra, viêm da cơ địa có thể tái phát và phát triển mạnh nếu có các yếu tố thuận lợi sau:

hình ảnh viêm da cơ địa
Tiếp xúc với dị nguyên (lông động vật, phấn hoa,…) là yếu tố kích thích viêm da cơ địa khởi phát
  • Nhiễm tụ cầu vàng: Các nghiên cứu cho thấy, độc tố từ tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) có vai trò kích thích tế bào lympho T, đại thực bào, tăng kháng nguyên trong huyết tương và làm phát sinh các triệu chứng lâm sàng của viêm da cơ địa.
  • Dị nguyên: Tiếp xúc với các dị nguyên như len dạ, côn trùng, hóa chất, khói thuốc hoặc dung nạp các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như đậu tương, bột mỳ, đậu phộng, hải sản,… có thể kích thích sản xuất IgE, tăng đáp ứng viêm của tế bào lympho T và khởi phát tổn thương da.
  • Yếu tố thời tiết: Viêm da cơ địa có xu hướng giảm nhẹ vào mùa hè và nghiêm trọng hơn vào mùa thu – đông. Nguyên nhân là do thời tiết khô lạnh khiến da mất nước, phá vỡ màng lipid trên bề mặt và gây suy giảm chức năng bảo vệ. Đây là điều kiện thuận lợi để dị nguyên xâm nhập, kích thích phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch và gây bùng phát viêm da cơ địa.
  • Yếu tố nội sinh: Thực tế, viêm da cơ địa có xu hướng nghiêm trọng hơn khi có các yếu tố nội sinh như hệ miễn dịch suy giảm, rối loạn nội tiết tố, căng thẳng thần kinh, trầm cảm,…
  • Độ tuổi: Có đến 90% các trường hợp bị viêm da cơ địa khởi phát trong 5 năm đầu đời và chỉ có khoảng dưới 10% phát bệnh trên 6 tuổi. Theo các chuyên gia, trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh nên thường nhạy cảm hơn với các yếu tố kích thích.

Cơ chế khởi phát viêm da cơ địa rất phức tạp. Do đó ngoài những yếu tố kể trên, triệu chứng và tiến triển của bệnh còn bị ảnh hưởng bởi các tác nhân nội giới và ngoại giới khác.

Nhận biết viêm da cơ địa qua từng giai đoạn

Viêm da cơ địa là một dạng tổn thương da mãn tính, đặc trưng bởi triệu chứng ngứa ngáy dai dẳng và kéo dài. Tổn thương lâm sàng của bệnh lý này phụ thuộc vào giai đoạn phát triển, độ tuổi của từng trường hợp và yếu tố kích thích.

1. Triệu chứng của viêm da cơ địa cấp – mãn tính

Viêm da cơ địa có triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn cấp và mãn tính.

Triệu chứng của viêm da cơ địa trong giai đoạn cấp, bao gồm:

  • Da xuất hiện đám tổn thương màu đỏ không có ranh giới rõ ràng với vùng da xung quanh
  • Một số trường hợp có thể nổi sẩn và đám sẩn
  • Bề mặt tổn thương xuất hiện mụn nước nhỏ, li ti, có tiết dịch và không có vảy da
  • Sau đó, da có hiện tượng chảy dịch, phù nề và đóng vảy tiết
  • Ở giai đoạn này nếu gãi cào thường xuyên và giữ vệ sinh kém, tổn thương da có thể xuất hiện các vết trợt loét và có hiện tượng bội nhiễm (da nổi mụn mủ và vảy tiết vàng)
  • Tổn thương da ở giai đoạn cấp thường xuất hiện khu trú ở cằm, má và trán. Tuy nhiên đối với những trường hợp nặng, tổn thương có thể lan ra tay và thân mình.
hình ảnh viêm da cơ địa
Hình ảnh viêm da cơ địa trong giai đoạn bán cấp

Sau một thời gian, tổn thương da sẽ chuyển sang giai đoạn bán cấp với các triệu chứng nhẹ hơn, da không tiết dịch hay phù nề. Tuy nhiên giai đoạn này khá mờ nhạt, triệu chứng không có tính điển hình và chỉ diễn tiến trong thời gian ngắn.

Triệu chứng của viêm da cơ địa trong giai đoạn mãn tính:

hình ảnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa mãn tính điển hình bởi tổn thương da dày sừng, thâm nhiễm và xuất hiện vết nứt
  • Tổn thương da có xu hướng dày, thâm nhiễm và có ranh giới rõ ràng so với những vùng da xung quanh
  • Xuất hiện hiện tượng liken hóa (hằn cổ trâu), các vết nứt gây đau và chảy máu (đây là hệ quả do thói quen gãi cào trong thời gian dài)
  • Thương tổn ở giai đoạn mãn tính thường gặp ở những vùng có nếp gấp lớn, ngón tay, ngón chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân, gáy,…

Đặc điểm của viêm da cơ địa là triệu chứng tiến triển dai dẳng, mãn tính và tái phát nhiều lần. Tổn thương da đi kèm với triệu chứng nóng rát, đau, ngứa và tạo thành vòng xoắn (ngứa – gãi – tổn thương da – ngứa). Ngoài ra, viêm da cơ địa còn đi kèm với các một số vấn đề sức khỏe khác như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, sốt cỏ khô và viêm kết mạc dị ứng.

2. Dấu hiệu của viêm da cơ địa ở từng độ tuổi

Ngoài ra, triệu chứng của viêm da cơ địa còn có sự khác biệt rõ rệt ở từng độ tuổi. Thống kê từ Bệnh viện Da liễu Trung Ương cho thấy, có đến 60% trường hợp khởi phát bệnh từ 0 – 12 tháng tuổi, 30% từ 1 – 6 tuổi và chỉ có dưới 10% trường hợp phát bệnh trên 6 tuổi.

Viêm da cơ địa tuổi nhũ nhi và sơ sinh:

Viêm da cơ địa tuổi nhũ nhi và sơ sinh thường gặp ở trẻ từ 2 tuần – 2 tuổi, đặc biệt là trẻ bụ bẫm 2 – 3 tháng tuổi. Ở giai đoạn này, tổn thương da có thể đi kèm với chứng tiêu chảy và viêm tai giữa.

viêm da cơ địa có lây không
Ở trẻ nhũ nhi và sơ sinh, bệnh thường gây tổn thương hình móng ngựa và có màu đỏ

Tổn thương điển hình của viêm da cơ địa tuổi nhũ nhi và sơ sinh:

  • Xuất hiện vết tổn thương có hình móng ngựa ở má, trán, quanh miệng, cổ, bẹn và thân mình
  • Tổn thương da có màu đỏ, bề mặt xuất hiện nhiều mụn nước nhỏ và chảy dịch mạnh
  • Thường có nhiễm khuẩn thứ phát (da xuất hiện mủ và vảy tiết)

Viêm da cơ địa thời kỳ trẻ em:

Viêm da cơ địa thời kỳ trẻ em thường xảy ra ở trẻ em (2 – 3 tuổi) và thanh thiếu niên (12 – 20 tuổi). Ở giai đoạn này, bệnh thường đi kèm với viêm kết mạc dị ứng và đục thủy tinh thể.

Triệu chứng điển hình của viêm da cơ địa thời kỳ trẻ em:

  • Tổn thương là các mảng đám liken hóa dạng đĩa (da dày sừng, thâm nhiễm và có vết nứt)
  • Tập trung ở những vùng có nếp gấp và tỳ đè như đầu gối, cùi tay, mặt duỗi các chi

Viêm da cơ địa thời kỳ trưởng thành:

Viêm da cơ địa thời kỳ trưởng thành thường có tiến triển mãn tính, dai dẳng và đi kèm với hen suyễn hoặc sốt cỏ khô.

viêm da cơ địa kiêng gì
Ở thời kỳ trưởng thành, viêm da cơ địa thường gây tổn thương ở bàn tay và bàn chân

Triệu chứng điển hình của viêm da cơ địa thời kỳ trưởng thành:

  • Tổn thương chủ yếu là mảng lichen hóa tập trung ở bàn tay, bàn chân và các kẽ lớn
  • Nếu xảy ra ở phụ nữ có thể gây viêm môi và viêm núm vú

Viêm da cơ địa tiến triển trong thời gian dài và tái phát nhiều lần. Thống kê cho thấy, có khoảng gần 50% trường hợp khỏi bệnh hoàn toàn khi đến tuổi thiếu niên. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp bệnh tồn tại trong nhiều năm và phát triển trong suốt cả cuộc đời.

Viêm da cơ địa có nguy hiểm không? Có lây không?

Viêm da cơ địa không chỉ gây tổn thương ngoài da mà còn đi kèm với các bệnh lý dị ứng khác như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, sốt cỏ khô,… Mặc dù có tính chất dai dẳng, cố thủ và dễ tái phát nhưng bệnh hầu như không gây nguy hiểm đến sức khỏe.

viêm da cơ địa là gì
Bệnh kéo dài có thể gây biến chứng viêm da thần kinh và tăng nguy cơ mắc các vấn đề cơ địa khác

Nếu tích cực điều trị và chăm sóc đúng cách, tổn thương da và các tình trạng sức khỏe đi kèm có thể được kiểm soát hoàn toàn. Ở những trường hợp chủ quan và không chăm sóc đúng cách, viêm da cơ địa có thể gây ra một số biến chứng như:

  • Viêm da cơ địa bội nhiễm: Viêm da cơ địa bội nhiễm thường xảy ra trong giai đoạn cấp tính. Biến chứng này xuất hiện khi tụ cầu khuẩn và các loại virus, vi khuẩn khác xâm nhập vào vùng da tổn thương và gây nhiễm trùng. Bội nhiễm có thể khiến da sưng đỏ, ứ mủ, ngứa ngáy, nóng rát và đau nhức nặng nề.
  • Viêm da thần kinh: Viêm da thần kinh là hệ quả do thói quen chà xát và cào, gãi lên vùng da tổn thương. Tác động cơ học có thể kích thích hệ miễn dịch giải phóng các chất tiền viêm khiến da tổn thương nặng, dày sừng, thâm nhiễm và xuất hiện các vết nứt. Viêm da thần kinh thường gây ngứa âm ỉ, ngứa sâu bên trong da và ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh cơ địa: Viêm da cơ địa kéo dài và tái phát nhiều lần có thể kích thích hệ miễn dịch, hoạt hóa tế bào lympho T và giải phóng các chất tiền viêm quá mức. Ngoài tổn thương da, các chất tiền viêm còn có thể tấn công vào niêm mạc hô hấp, phế quản, mô xoang,… và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh cơ địa như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm xoang dị ứng, viêm kết mạc dị ứng,…

Ngoài ra, triệu chứng ngứa ngáy do viêm da cơ địa còn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, mức độ tập trung và hoạt động học tập – làm việc. Mặc dù có tính chất di truyền nhưng viêm da cơ địa không khả năng lây nhiễm qua tiếp xúc, đường hô hấp, ăn uống chung,…

Chẩn đoán bệnh viêm da cơ địa

Chẩn đoán bệnh viêm da cơ địa chủ yếu dựa trên triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm tìm kháng nguyên (IgE) trong máu. Sau khi thu thập dữ liệu, bác sĩ sẽ dựa vào các tiêu chuẩn chính và phụ để đưa ra chẩn đoán. Chẩn đoán bệnh lý này phải đạt ít nhất 3 tiêu chuẩn chính và ít nhất 3 tiêu chuẩn phụ.

4 Tiêu chuẩn chính:

  • Ngứa (ngứa ngáy là triệu chứng điển hình nhất của viêm da cơ địa)
  • Tổn thương da có tính chất mãn tính và hay tái phát
  • Vị trí và hình thái tổn thương điển hình
  • Tiền sử gia đình hoặc cá nhân mắc các bệnh liên quan đến yếu tố cơ địa

Các tiêu chuẩn phụ:

  • Viêm môi
  • Da khô
  • Viêm kết mạc mắt
  • Dễ dị ứng thức ăn
  • Đục thủy tinh thể
  • Mắt đỏ, tái
  • Dễ bị nhiễm trùng da, hay tái phát
  • Nồng độ kháng nguyên IgE trong huyết tương tăng
  • Xuất hiện tổn thương dạng chàm ở bàn tay
  • Phản ứng da tức thì type 1 dương tính
  • Chứng vẽ nổi
  • Vảy phấn trắng
  • Ngứa ngáy khi đổ mồ hôi
  • Giác mạc hình chóp
  • Chàm núm vú
  • Có quầng thâm mắt
  • Khởi phát bệnh sớm
  • Tổn thương tương tự dày sừng nang lông

Các phương pháp điều trị bệnh viêm da cơ địa

Điều trị viêm da cơ địa đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa người bệnh và bác sĩ. Hiện nay, chưa có biện pháp chữa trị dứt điểm bệnh lý này. Mục tiêu chính của quá trình điều trị là làm giảm tổn thương da, cải thiện ngứa ngáy, hạn chế tái phát và nâng cao chất lượng cuộc sống.

1. Cách ly với dị nguyên

Dị nguyên là yếu tố khởi phát và làm nghiêm trọng các triệu chứng của viêm da cơ địa. Do đó cách ly dị nguyên là biện pháp được chỉ định đầu tiên trong điều trị bệnh lý này.

hình ảnh viêm da cơ địa
Gãi cào có thể gây ngứa nhiều, tăng nguy cơ nhiễm trùng và hình thành tổn thương thứ phát

Người bị viêm da cơ địa nên hạn chế tiếp xúc với các yếu tố kích thích sau:

  • Không nên mặc quần áo có chất liệu len dạ, chật và bó sát.
  • Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm và đồ uống có tiền sử dị ứng. Đồng thời nên thận trọng khi ăn các loại thực phẩm có khả năng dị ứng cao như đậu tương, đậu phộng, cá, bột mỳ, trứng, hải sản,…
  • Tránh tiếp xúc với không khí lạnh
  • Không nên chà xát và gãi cào lên vùng da thương tổn. Tác động cơ học không chỉ khiến da phát triển tổn thương thứ phát mà còn làm tăng nguy cơ bội nhiễm
  • Tránh tiếp xúc với các chất kích thích như khói thuốc, mủ thực vật, côn trùng, mạt bụi, nấm mốc, hóa chất, xà phòng,…

Cách ly với dị nguyên có thể giúp tổn thương da nhanh lành, đáp ứng tốt với điều trị và hạn chế tần suất tái phát.

2. Sử dụng thuốc điều trị

Biện pháp y tế chủ yếu trong điều trị viêm da cơ địa là sử dụng thuốc. Bác sĩ sẽ cân nhắc về giai đoạn phát triển, độ tuổi, mức độ triệu chứng và khả năng đáp ứng để chỉ định loại thuốc phù hợp.

viêm da cơ địa là gì
Điều trị bệnh viêm da cơ địa chủ yếu là sử dụng thuốc bôi và thuốc uống

Các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm da cơ địa:

  • Dung dịch sát trùng: Các dung dịch sát trùng như thuốc tím, hồ nước, nitrate bạc, nước muối sinh lý,… thường được sử dụng trong giai đoạn cấp nhằm làm dịu da, sát trùng và ngăn ngừa viêm nhiễm. Ở giai đoạn tổn thương da tiết nhiều dịch, cần hạn chế dùng thuốc bôi dạng kem đặc hoặc dạng mỡ.
  • Thuốc bôi corticoid: Thuốc bôi chứa corticoid là loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh da liễu mãn tính. Thuốc có tác dụng giảm viêm, chống dị ứng và chống ngứa. Tuy nhiên do có nguy cơ gây teo da, rạn da, nổi mụn trứng cá, dày sừng nang lông,… nên loại thuốc này chỉ được sử dụng trong tối đa 15 ngày.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh dạng bôi và uống được sử dụng trong trường hợp tổn thương da bị nhiễm trùng do tụ cầu vàng. Trong trường hợp này, bác sĩ thường chỉ định kháng sinh Erythromycin hoặc Tetracylin trong liên tục 7 – 10 ngày.
  • Thuốc kháng histamine tổng hợp: Histamine là chất tiền dị ứng được giải phóng trong cơ chế khởi phát viêm da cơ địa. Sau khi được phóng thích vào da, histamine gây ngứa ngáy, sưng đỏ và phù nề. Thuốc kháng histamine tổng hợp thường được sử dụng để giảm ngứa và cải thiện tổn thương do viêm da cơ địa gây ra.
  • Corticoid đường uống: Đối với những trường hợp khởi phát triệu chứng đột ngột và có mức độ nặng, bác sĩ có thể chỉ định corticoid đường uống. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nên chỉ được sử dụng với liều thấp trong thời gian ngắn.
  • Thuốc bôi ức chế calcineurin: Loại thuốc này được sử dụng thay thế hoặc dùng xen kẽ với corticoid dạng bôi. Thuốc có tác dụng ức chế các chất gây viêm, từ đó làm giảm tổn thương da, cải thiện đau rát và ngứa ngáy. Tuy nhiên loại thuốc này chỉ được sử dụng cho trẻ trên 2 tuổi.
  • Kem dưỡng ẩm: Dưỡng ẩm thường xuyên có thể làm mềm, giảm khô ráp và dày sừng. Ngoài ra, sử dụng kem dưỡng ẩm còn phục hồi màng rào bảo vệ da và hạn chế tần suất tái phát của bệnh. Bác sĩ thường chỉ định các loại kem dưỡng lành tính như A-derma, Bioderma, Eucerin, Laroche-posay,…

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc khác như dẫn xuất từ than đá, thuốc chống viêm không steroid, thuốc chống thấp khớp (Cyclosporin A), thuốc bôi chứa axit salicylic và thuốc ức chế miễn dịch khác như Mycophenolat mofetil, Methotrexate, Azathioprin,…

3. Liệu pháp ánh sáng

Liệu pháp ánh sáng là biện pháp điều trị sử dụng tia cực tím nhân tạo (UVA, UVB) nhằm tác động các tế bào gây viêm như tế bào mast, tế bào lympho T, bạch cầu hạt… Từ đó giảm hoạt động phóng thích các chất tiền viêm và làm giảm tổn thương da.

Biện pháp này có thể được thực hiện đơn lẻ hoặc kết hợp với truyền thuốc để tăng tác dụng điều trị. Liệu pháp ánh sáng đem lại hiệu rõ rệt và ít gây ra tác dụng hơn so với sử dụng thuốc. Tuy nhiên lạm dụng liệu pháp này có thể tăng tốc độ lão hóa và gây ung thư da.

Phòng ngừa viêm da cơ địa tái phát

Viêm da cơ địa là một dạng tổn thương da mãn tính, dai dẳng và dễ tái phát. Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng bạn có thể làm giảm tần suất tái phát và mức độ tổn thương với các biện pháp đơn giản sau:

trị viêm da cơ địa
Dưỡng ẩm thường xuyên giúp da khỏe mạnh, giảm khô ráp và hạn chế tái phát viêm da cơ địa
  • Tránh tiếp xúc với các yếu tố có khả năng dị ứng cao như len dạ, lông chó mèo, khói thuốc, hóa chất, kim loại, mạt bụi, xà phòng, mỹ phẩm,…
  • Dưỡng ẩm da thường xuyên – đặc biệt là khi thời tiết khô lạnh. Đây là một trong những biện pháp quan trọng trong điều trị và phòng ngừa viêm da cơ địa.
  • Giảm khối lượng công việc, dành thời gian nghỉ ngơi và sinh hoạt điều độ để giảm căng thẳng và rối loạn nội tiết.
  • Nên sử dụng bao tay khi tiếp xúc với xà phòng. Xà phòng có thể ăn mòn keratin và phá vỡ lớp lipid khiến da khô ráp, bong tróc và có nguy cơ tái phát tổn thương do viêm da cơ địa.
  • Thận trọng khi lựa chọn các sản phẩm vệ sinh và chăm sóc da. Để hạn chế tình trạng dị ứng, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn sản phẩm an toàn và dịu nhẹ.
  • Ăn uống điều độ cũng là biện pháp giúp kiểm soát và làm giảm nguy cơ tái phát viêm da cơ địa. Chế độ dinh dưỡng khoa học giúp nâng cao sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịch và nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh.
  • Tránh để da tiếp xúc quá lâu với ánh nắng, bụi bẩn, không khí quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Người bị viêm da cơ địa nên tắm nước ấm để làm mềm da và giảm dày sừng. Tuy nhiên không nên tắm quá 15 phút và cần thoa kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm.

Viêm da cơ địa là bệnh da liễu mãn tính, dai dẳng và dễ tái phát. Mặc dù bệnh có thể tự thuyên giảm khi đến tuổi thiếu niên nhưng ở một số trường hợp, tổn thương da có thể phát triển trong nhiều năm và đi kèm với các bệnh lý cơ địa khác. Để kiểm soát bệnh và giảm nguy cơ tái phát, nên tích cực điều trị, cách ly với dị nguyên và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

XEM THÊM:

Cập nhật lúc: 3:38 Chiều , 13/11/2024

Tin liên quan

Mẹo Trị Viêm Da Cơ Địa Bằng Mật Ong Nhanh Khỏi

Điều trị viêm da cơ địa bằng mật ong là mẹo chữa đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà. Áp dụng cách chữa này thường xuyên giúp...

Rối loạn cương dương ở người trẻ: Nguyên nhân & điều trị

Rối loạn cương dương ở người trẻ đang là chủ đề nóng được nhiều người quan tâm. Tại Việt Nam, tỷ lệ nam giới bị rối loạn cương dương ở...

Điều trị rối loạn cương dương bằng sóng xung kích và lưu ý

Điều trị rối loạn cương dương bằng sóng xung kích là biện pháp điều trị rối loạn cương dương bằng máy hiện đại nhất hiện nay. Dù chỉ mới xuất...

Top 3 Cách Trị Viêm Da Cơ Địa Tại Nhà Hiệu Quả Cao, Đơn Giản Dễ Làm

Ngoài việc sử dụng thuốc Tây y theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa, bạn cũng có thể kiểm soát và đẩy lùi các triệu chứng của...

Viêm Da Cơ Địa Ở Trẻ Sơ Sinh – Điều Ba Mẹ Cần Biết

Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh thường gây viêm đỏ, đau rát và ngứa ngáy dai dẳng. Nếu không tiến hành khắc phục, tình trạng này có thể...

Mẹo Chữa Viêm Da Cơ Địa Bằng Tỏi Cực Hay

Chữa viêm da cơ địa bằng tỏi là mẹo dân gian được áp dụng khá phổ biến, giúp đẩy lùi tình trạng viêm nhiễm và ngứa ngáy khó chịu trên...

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *