Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh thường gây viêm đỏ, đau rát và ngứa ngáy dai dẳng. Nếu không tiến hành khắc phục, tình trạng này có thể kéo dài khiến trẻ mệt mỏi, bứt rứt, khó chịu, bú kém và thường xuyên quấy khóc. Vì vậy, phụ huynh nên trang bị kiến thức cần thiết để kịp thời xử lý khi bệnh tình xuất hiện ở con trẻ.
Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh là bệnh gì?
Viêm da cơ địa là một dạng viêm da mãn tính, điển hình bởi tình trạng da sưng đỏ, phù nề, đau rát, bong tróc và ngứa ngáy. Bệnh khởi phát chủ yếu ở trẻ 2 tuần tuổi – đặc biệt là trẻ bụ bẫm. Ở giai đoạn này, bệnh không chỉ gây tổn thương da mà còn đi kèm với một số bệnh lý khác như ỉa chảy và viêm tai giữa.
Tổn thương do viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện ở vùng da mặt. Tuy nhiên với những trường hợp nặng, triệu chứng có thể lan xuống vùng cổ, thân mình và tay. Thống kê cho thấy, có đến 50% trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa thuyên giảm hoàn toàn khi đến độ tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, trẻ có thể mắc bệnh dai dẳng và tiến triển trong suốt cuộc đời.
Đối với những trường hợp tiến triển mãn tính, bệnh có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến cơ địa như viêm mũi dị ứng, sốt cỏ khô, viêm kết mạc mắt và hen suyễn.
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh
Tuy nhiên qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy một số nguyên nhân và yếu tố rủi ro tham gia vào cơ chế khởi phát bệnh lý này?
Đối với trẻ sơ sinh, các yếu tố có khả năng khởi phát bệnh bao gồm:
- Hệ miễn dịch kém: Trẻ sơ sinh (trẻ dưới 1 tháng tuổi) thường có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh. Vì vậy, làn da và cơ thể của trẻ dễ bị tổn thương khi có các yếu tố kích thích.
- Yếu tố di truyền: Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, có đến 60% trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa có người thân cận huyết mắc các bệnh lý cơ địa như chàm, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, sốt cỏ khô và hen suyễn.
Ngoài ra, bệnh cũng có thể khởi phát do các yếu tố kích thích như:
- Trẻ không được bú sữa mẹ
- Tác dụng phụ khi tiêm vaccine
- Sinh sống trong thời tiết khô hanh, nhiệt độ thấp
- Trẻ mặc trang phục có chất liệu len, dạ
Nhận biết viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh
Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh có các dấu hiệu nhận biết sau:
- Xuất hiện tổn thương có hình móng ngựa ở quanh miệng, má, trán, cổ, thân mình hoặc bẹn
- Bề mặt tổn thương nổi nhiều mụn nước li ti, mọc tập trung và có xu hướng rỉ dịch
- Da chảy dịch kèm phù nề, sưng đau và ngứa ngáy
- Thường xuất hiện nhiễm khuẩn thứ phát (da nổi mụn mủ và đóng vảy tiết màu vàng)
- Sau một thời gian, da chuyển sang khô ráp, bong tróc, sần sùi và đỏ hơn so với những vùng da lân cận
Hình ảnh viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh
Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh chủ yếu gây tổn thương ngoài da và hầu như không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên các triệu chứng của bệnh có thể khiến trẻ bứt rứt, khó chịu, mệt mỏi, bú kém, quấy khóc và mất ngủ.
Ở các trường hợp tự ý điều trị và chăm sóc không đúng cách, viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến các biến chứng sau:
- Viêm da cơ địa bội nhiễm: Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch kém nên có nguy cơ bội nhiễm da cao hơn các đối tượng khác. Trong trường hợp bội nhiễm da, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định các loại thuốc phù hợp.
- Hoại tử da: Hoại tử da là biến chứng nặng nề, thường xảy ra khi phụ huynh tự điều trị cho con trẻ bằng các mẹo dân gian hoặc tùy tiện dùng thuốc bôi chứa corticoid.
Trẻ sơ sinh là nhóm đối tượng nhạy cảm và dễ gặp biến chứng khi điều trị. Do đó, phụ huynh tuyệt đối không tự ý điều trị cho con trẻ khi chưa có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Điều trị viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh
Như đã đề cập, trẻ sơ sinh dễ gặp phải các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc. Do đó điều trị ưu tiên đối với nhóm đối tượng này là cách ly với yếu tố kích thích và chăm sóc tại nhà. Ở những trường hợp cần thiết, có thể tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định các loại thuốc phù hợp.
1. Cách ly với các yếu tố kích thích
Ở trẻ sơ sinh, viêm da cơ địa chủ yếu khởi phát do các hệ miễn dịch và yếu tố di truyền. Tuy nhiên các yếu tố kích thích có thể khiến tổn thương da tiến triển nặng và lây lan rộng. Vì vậy để làm giảm triệu chứng của bệnh, phụ huynh nên cách ly trẻ với các yếu tố sau:
- Tránh mặc quần áo có chất liệu len, dạ cho trẻ. Các chất liệu này có thể kích thích da và làm bùng phát triệu chứng của viêm da cơ địa.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với phấn hoa, lông chó mèo, bụi bẩn, hóa chất, xà phòng,…
- Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về sản phẩm làm sạch và chăm sóc da an toàn cho trẻ nhỏ.
- Khi thời tiết khô lạnh, mẹ nên cho trẻ ở trong nhà, hạn chế ra ngoài và giữ ấm cơ thể.
- Nếu không có vấn đề bất thường, bạn nên cho trẻ sơ sinh bú mẹ trong thời gian sớm nhất. Ngoài hàm lượng dinh dưỡng cao, sữa mẹ còn chứa kháng thể giúp bảo vệ sức khỏe và nâng cao hệ miễn dịch cho trẻ.
2. Chăm sóc và cải thiện tại nhà
Song song với việc cách ly với dị nguyên, mẹ có thể làm giảm tổn thương da và cải thiện ngứa ngáy cho trẻ với một số biện pháp chăm sóc và cải thiện tại nhà như:
- Thoa kem dưỡng ẩm: Da khô là điều kiện thuận lợi để dị nguyên xâm nhập và kích thích viêm da cơ địa bùng phát mạnh. Vì vậy, bạn nên sử dụng kem dưỡng ẩm cho trẻ từ 2 – 3 lần/ ngày. Tuy nhiên, cần lựa chọn sản phẩm có thành phần an toàn, lành tính và đã được kiểm định độ an toàn đối với trẻ sơ sinh.
- Giữ vệ sinh cho trẻ: Vệ sinh kém có thể khiến tổn thương da viêm nhiễm và sưng nề. Do đó, cần tắm cho trẻ 1 lần/ ngày, mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát để hạn chế trẻ đổ nhiều mồ hôi.
- Vệ sinh không gian sống: Các dị nguyên có trong không khí (bụi, bông vải, nấm mốc, khói thuốc,…) có thể kích thích viêm da cơ địa và các bệnh lý hô hấp (hen suyễn, viêm mũi dị ứng,…) bùng phát. Do đó, mẹ nên vệ sinh nhà cửa thường xuyên, sử dụng máy lọc không khí và trồng nhiều cây xanh để giữ không gian sống thoáng đãng.
Lưu ý: Tuyệt đối không tự ý sử dụng các thảo dược tự nhiên chữa viêm da cơ địa cho trẻ sơ sinh. Các biện pháp này chỉ thích hợp với trẻ lớn và người trưởng thành. Tùy tiện áp dụng cho trẻ có thể khiến da bị kích ứng, viêm nhiễm và tổn thương nặng nề.
3. Sử dụng thuốc điều trị viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh
Trong trường hợp tổn thương da lan rộng, tiến triển dai dẳng và gây ngứa ngáy dữ dội, mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chỉ định các loại thuốc phù hợp.
Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh, bao gồm:
- Hồ nước: Hồ nước là thuốc sát trùng, bảo vệ và làm dịu da. Loại thuốc này được bào chế ở dạng hỗn dịch dùng ngoài với thành phần chính là Glycerin, bột talc và kẽm oxit. Hồ nước hầu như không được hấp thu vào tuần hoàn máu nên tương đối an toàn và có thể sử dụng cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
- Thuốc bôi chứa Ceramides: Ceramides (còn được gọi là lipid) là lớp chất béo nằm trên bề mặt da, có chức năng giữ nước và bảo vệ da khỏi các yếu tố kích thích. Suy giảm màng lipid là một trong những yếu tố kích thích viêm da cơ địa và các dạng tổn thương da mãn tính bùng phát mạnh. Vì vậy, bác sĩ có thể cho trẻ sử dụng thuốc bôi chứa Ceramides để duy trì độ ẩm và giảm nhẹ tổn thương do viêm da cơ địa gây ra.
- Thuốc bôi chứa Panthenol: Panthenol thực chất là dẫn xuất của vitamin B5. Thành phần này được sử dụng trong nhiều chế phẩm chăm sóc và điều trị các vấn đề da liễu. Thuốc bôi chứa Panthenol thường được dùng cho trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa nhằm giảm ngứa ngáy, viêm đỏ, duy trì độ ẩm và tăng tốc độ chữa lành các tế bào biểu bì.
Viêm da cơ địa là vấn đề da liễu thường gặp ở trẻ sơ sinh. Mặc dù không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách, tổn thương da có thể tiến triển nặng nề và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy khi nhận thấy con trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường, phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị.
Cập nhật lúc: 3:49 Chiều , 13/11/2024Tham khảo thêm: